Ngày cập nhật: 22/10/2014 Cùng với việc tăng 3 vụ lúa/năm là áp lực của người nông dân ĐBSCL phải dùng lượng phân bón hóa học rất lớn để duy trì năng suất. |
|
Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón lá ở ĐBSCL còn tăng mạnh Tuy nhiên, lạm dụng phân hóa học gây ra hệ lụy thoái hóa đất, đẩy chi phí tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân sản phẩm phân bón lá "lên ngôi".
Vài năm trở lại đây, một điểm dễ nhận thấy tại các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) ở ĐBSCL xuất hiện kệ hàng nằm ở vị trí mặt tiền bày bán các sản phẩm phân bón lá rất đa dạng, phong phú bên cạnh những gian hàng thuốc BVTV và phân bón rễ truyền thống.
Theo chia sẻ của các đại lý VTNN, phân bón lá nếu biết cách sử dụng sẽ cho cây trồng hấp thụ trực tiếp được 80 - 85% lượng phân bón, mà phân bón gốc khác không thể đáp ứng được. Nếu nhà SX hướng dẫn cho nông dân biết cách sử dụng đúng lúc, đúng cách, đúng quy trình sẽ đem lại hiệu quả rất lớn.
Ông Trần Anh Huy, chủ một đại lý VTNN tại ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, An Giang cho biết, từ khi nông dân trong huyện chuyển sang làm lúa 3 vụ/năm, sản lượng phân bón lá cửa hàng anh tiêu thụ tăng mạnh.
Hiện phân bón lá chiếm tới 30% tổng doanh thu. Song trên thị trường có vô số sản phẩm phân bón lá của nhiều DN khác nhau nên các đại lý VTNN như anh không biết chất lượng thế nào mà chọn. Tất cả đều trông đợi phản hồi thực tế từ chính người nông dân.
“Sau nhiều vụ phân phối thử nghiệm các sản phẩm phân bón lá cho gần chục DN, hiện nay đại lý chúng tôi quyết định chọn sản phẩm phân bón lá GNC10 Vegetable do Cty GNC (An Giang) cung ứng là mặt hàng bán chủ lực lâu dài.
Thực ra, chiết khấu với phân trăm của đơn vị này không hề cao, nhưng do sản phẩm của họ có uy tín, chất lượng, đặc biệt là nhận được sự phản hồi rất tích cực từ phía người nông dân nên đại lý chúng tôi chọn”, ông Huy chia sẻ.
Là một trong những nông dân tiên phong sử dụng phân bón lá trên cây lúa, anh Lê Đức Hóa ở ấp Hòa B, xã Cần Đăng cho rằng, không thể phủ nhận hiệu quả của việc sử dụng phân bón lá trên cây lúa tại ĐBSCL.
SX tới 3 vụ lúa/năm khi phù sa từ các con sông bồi đắp vào hàng năm gần như không còn nên sử dụng phân bón lá thay thế một phần phân bón rễ nhằm giảm chi phí là rất cần thiết. Sau 3 vụ dùng sản phẩm phân bón lá Vegatable, anh Hóa khẳng định, lúa của gia đình mình nhìn bằng mắt thường đã hơn hẳn những hộ bên cạnh không sử dụng.
“Bình thường, nếu không sài phân bón lá mỗi 1 ha tôi bón khoảng 100 kg phân bón rễ, nhưng khi xài sản phẩm phân bón lá rồi tôi chỉ dùng 60 kg phân bón rễ nên tiết kiệm được gần 30% chi phí. Tôi thường dùng Vegetable để ngâm ủ hạt giống trước khi gieo và xịt thêm một lần nữa khi lúa cong trái me.
Ưu điểm của phân bón lá giúp thóc nảy mầm đều hơn, phát triển bộ rễ mạnh hơn nên lúa trỗ đồng loạt, hạt chắc, to, bóng, khi thu hoạch bao giờ giá bán cũng nhỉnh hơn so với mặt bằng chung”, anh Hóa bộc bạch.
Làm chủ một đại lý kinh doanh VTNN, đồng thời là cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, ông Dương Minh Sang nhận định, nhu cầu sử dụng phân bón lá trong các năm tiếp theo còn tiếp tục tăng cao và thị trường sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn.
Ông Sang cho biết, trong thời gian làm cán bộ kỹ thuật tại Trạm BVTV huyện Hồng Ngự từng nhận được rất nhiều phản ánh từ phía nông dân về phân bón lá chất lượng kém khiến cây trồng bị cháy lá.
Tuy nhiên, bản thân ông Sang cũng ghi nhận được không ít phản hồi tích cực về chất lượng, hiệu quả từ phía bà con với sản phẩm phân bón lá kẽm công nghệ mới thông minh của một vài DN có uy tín như Cty GNC (An Giang), Cty Hóa nông An Giang…
Lý giải sự "lên ngôi" của phân bón lá tại ĐBSCL, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định cho rằng, đó là điều tất yếu bởi lĩnh vực kinh doanh thuốc BVTV phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, dịch bệnh. Do đó, hầu hết các DN thuốc BVTV đều có xu hướng chuyển sang làm phân bón lá để tranh thủ thị phần và bổ trợ lĩnh vực thuốc đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Theo ĐĂNG QUÂN (Báo Nông Nghiệp)
|