Ngày cập nhật: 22/07/2017 |
Thời gian gần đây, để giải phóng sức lao động, giảm chi phí, người trồng chè đã đầu tư mua máy hái chè. Tuy nhiên, để sử dụng máy hiệu quả, bà con nên thực hiện đồng bộ các giải pháp từ gieo trồng, chăm sóc.... Tính toán cho thấy, chi phí công lao động hái chè chiếm 40 - 45% tổng chi phí cho nương chè và chiếm 25 - 30% giá bán chè búp tươi. Nếu hái chè bằng lao động thủ công, thu nhập của nông dân sẽ giảm, do đó đầu tư máy hái chè là điều tất yếu nếu muốn phát triển sản xuất hàng hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) đã đưa vào sử dụng máy hái chè mã hiệu AM.110. VA, năng suất 700 - 800kg/ngày, tiêu tốn 1,8 lít nhiên liệu. Hái chè bằng máy có thể giảm được 15 công lao động/ngày, năng suất lao động tăng 12 lần so với hái chè bằng phương pháp thủ công. Phẩm chất sản phẩm chè búp tươi đảm bảo tiêu chuẩn. Mặc dù mang lại nhiều tiện ích nhưng để sử dụng máy hiệu quả, bà con lưu ý: Trong vụ xuân không nên dùng máy hái chè vì sau khi đốn, cây chè còn rất ít lá. Vụ xuân cần được nuôi tán để lấy lá quang hợp tạo chất hữu cơ nuôi cây, chỉ nên dùng tay hái một số búp đủ tiêu chuẩn để kích thích mầm nhánh phát triển, khi nào tầng tán mới có độ dày 10 - 15cm mới tiến hành hái bằng máy. Kiểm tra nương chè trước khi hái, không nên hái chè khi búp quá non sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất chè. Khi hái chè phải giữ máy ở cự ly hợp lý, không để máy hái quá cao hoặc quá sâu. Nếu để sâu, máy sẽ cắt cả phần cuống già, ảnh hưởng tới việc ra búp, sản phẩm chè có lẫn nhiều tạp chất. Nếu để cao, búp hái quá non, phấn chưa nhiều, tán chè chóng lên cao. Trong quá trình hái, không nên để lượng chè trong túi đựng chè quá nhiều và không kéo lê trên mặt tán chè. Nếu kéo lê trên mặt tán chè thì túi nhanh bị rách, chè sẽ bị nát, mầm chè bị gãy, ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng lứa chè sau. |